Hiện nay, người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, tuy nhiên sự hiểu biết về TPCN còn hạn chế gây nên nhầm lẫn giữa ranh giới thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung và thuốc. Dược sĩ tư vấn sẽ giúp chúng ta hiểu được vấn đề này.
Trong những năm gần đây, trên thị trường nước ta dần dần xuất hiện rất nhiều sản phẩm có tên gọi là “thực phẩm chức năng”. Nhiều loại được quảng cáo hết sức rầm rộ với một hệ thống phân phối đa cấp có mặt suốt cả ba miền Trung, Nam, Bắc. Trên nhãn mác, loại nào cũng được ghi rõ là “sản phẩm không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng kỳ thực cách thuyết trình của không ít diễn giả trong các cuộc “hội thảo” và của nhân viên tiếp thị khi quảng cáo với người tiêu dùng đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng: sản phẩm là một thứ thuốc chữa được bách bệnh. Và rồi, mặc dù rất đắt, người ta cũng cả tin và cố bỏ tiền ra mua để cuối cùng dẫn đến hậu quả “tiền mất tật mang”. Vậy, nên hiểu như thế nào về thực phẩm chức năng (TPCN), ranh giới TPCN và thuốc chữa bệnh?
Thực phẩm chức năng là gì?
Khái niệm TPCN (Functional foods) được người Nhật sử dụng đầu tiên từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa những thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng. Theo Viện Khoa học và Đời sống quốc tế (International Life Science Institute – ILSI) thì “TPCN là thực phẩm có lợi cho một hay nhiều hoạt động của cơ thể như cải thiện tình trạng sức khoẻ và làm giảm nguy cơ mắc bệnh hơn là so với giá trị dinh dưỡng mà nó mang lại”. Theo IFIC, TPCN là những thực phẩm hay thành phần của chế độ ăn có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ nhiều hơn giá trị dinh dưỡng cơ bản.
TPCN có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là sản phẩm của quá trình chế biến hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất “chức năng”. Cũng như thực phẩm thuốc, TPCN nằm ở nơi giao thoa giữa thực phẩm và thuốc.
Phân biệt thực phẩm chức năng và thuốc
Trước hết ta so sánh sự giống nhau: Chúng đều được bào chế theo hình thức của dược phẩm như lọ, viên vỉ có thể gọi là giống dược phẩm về hình thức. Về công dụng thực phẩm chức năng cũng có một số tác dụng hỗ trợ nào đó cho tiến trình điều trị bệnh ( nhưng không thể đo lường và kiểm soát được )
Sự khác nhau: Những khác nhau cơ bản của dược phẩm với thực phẩm chức năng đó là . Tính quy chuẩn, đã là thuốc thì luôn được các cơ quan quản lý kiểm tra thẩm định nghiêm ngặt qua khâu thử nghiệm lâm sàng. Khi đưa vào đăng ký sản xuất cũng phải đạt những tiêu chuẩn sản xuất quốc tế GDP-WHO cho tới khi đưa vào lưu thông cũng còn phải qua những người thầy thuốc từ bác sĩ tới dược sĩ. Khác biệt cơ bản thứ hai là công dụng của thuốc đối bệnh nhân được chỉ định chính xác điều trị ( Khác với hỗ trợ ở thực phẩm chức năng ) dù chỉ cần là thuốc bổ.
hiện nay, ở Việt Nam có một số tổ chức và cá nhân đang lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dùng để quảng cáo phóng đại sai sự thật về thực phẩm chức năng, sử dụng hình thức phân phối đa cấp trục lợi cộng đồng. Vấn đề này cũng đã được các cơ quan quản lý y tế cảnh báo song việc kiểm soát và chấn chỉnh lĩnh vực kinh doanh thực phẩm chức năng cũng không thể chặt chẽ được như ngành dược. Vấn đề còn lại phải do người tiêu dùng tự biết chi tiêu, suy xét hợp lý để tránh mất tiền mua những thứ không rõ thành phần chất lượng nạp vào cơ thể một cách vô ích. Những người có tri thức và thành đạt trong xã hội sẽ là người hiểu rõ hơn ai hết về điều này.
Nguồn: trungcapyhanoi.vn